“Đời cua cua máy, đời cáy cáy đào” đã đến lúc cha mẹ Việt tập buông tay con

Tình yêu thương vô điều kiện của cha mẹ với con cái đôi khi lại là “tai họa” với con.

Người ta gọi tình yêu thương vô điều kiện của cha mẹ với con cái là tình yêu bản năng – tức nó đã có sẵn trong mỗi người cha người mẹ. Thương từ lúc con chỉ vừa tượng hình trong bụng. Rồi thứ tình cảm ấy lớn dần theo năm tháng và một ngày vượt ra khỏi mọi chiều kích của không gian, của thời gian. Tình yêu của cha mẹ là thứ tình yêu theo con đi cùng tháng năm, đến tận ngày cha mẹ xuôi tay nhắm mắt.

Trái lại, tình yêu của con cái với cha mẹ là tình yêu có điều kiện, phải dạy dỗ mới hình thành. Chẳng hạn, từ lúc sinh ra con chưa hiểu thế nào là hiếu thảo với ông bà, cha mẹ. Người lớn phải giúp con hiểu thế nào là hiếu thảo và tại sao phải hiếu thảo. Nếu không được dạy về điều này, con sẽ trở nên bất hiếu mà không biết.

Nhiều khi người ngoài nhìn vào, thấy con cái đối xử tệ bạc với cha mẹ, chỉ biết trách con mà không hiểu cội rễ của vấn đề lại xuất phát từ cách thương con mù quáng của các đấng sinh thành. Vậy nên ông bà ta mới có câu “Đời cua cua máy đời cáy cáy đào” – ngụ ý hãy để con cái chủ động với cuộc sống của chúng, người là cha làm mẹ không nên bảo bọc quá nhiều vừa khổ mình lại hại con.

Dưới đây là một số cách yêu thương của cha mẹ không hề có lợi cho con.

Đáp ứng tất cả nhu cầu vật chất của con

Dễ dàng nhận thấy ở nhiều gia đình, cha mẹ sẵn sàng vay mượn tiền để đáp ứng những đòi hỏi của con về vật chất từ quần áo, điện thoại, xe cộ… cho bằng bạn bằng bè. Ngay cả khi con đã học xong, đi làm, cha mẹ vẫn tiếp tục là nhà tài trợ cho tất cả các khoản phí mua sắm, sinh hoạt của con. Cách yêu con này vô tình làm con cái trở thành kẻ dựa dẫm, không thể tự lập. Mặt khác, do quen được cung phụng nên chúng không học được cách quan tâm, sống có trách nhiệm với cha mẹ, người thân.

hình ảnh

Nuôi con rồi nuôi cả cháu

Thường ông bà phải làm cha làm mẹ đến 2 lần, một lần nuôi con và 1 lần nuôi cháu. Cả cuộc đời vất vả chăm con nhưng khi con nhờ chăm cháu thì không nỡ từ chối dù tuổi cao sức yếu. Thế là lại “khăn gói quả mướp” lên thành phố giữ cháu để con chuyên tâm phát triển sự nghiệp. Giữ cháu cho con vừa cực thân mà đôi khi còn cực tâm. Con mình đã đành còn con dâu, con rể. Nhiều khi cứ phải nhìn mặt con dâu, con rể mà sống dù mình đang là người được “cậy nhờ”. Tuy khổ vậy nhưng con cái nào hay biết, có lúc còn hờn trách ngược lại cha mẹ. Nhiều khi cũng muốn để “đời cáy cáy đào” nhưng bỏ thì không nỡ.

Bán hết ruộng vườn, gom góp tài sản đưa hết cho con

Nhiều cha mẹ đặt hết niềm tin vào con cái nên cuối đời lẽ ra thong dong thì phải sống cuộc đời cơ cực. Vì nghĩ trẻ cậy cha già cậy con nên bao nhiêu tiền bạc dành dụm họ đưa hết cho con. Nghe con rù rì, họ bán luôn nhà cửa ở quê về sống chung với con để con tiện bề bào hiếu. Nhưng khi trong tay không còn tiền bạc, trở thành người “lệ thuộc”, gặp phải đứa con tệ bạc, họ phải rơi vào bi kịch cuối đời: “Về đâu khi nhà đã bán”.

hình ảnh

Nguồn ảnh: j.17qq

Vì những lẽ trên, làm cha mẹ, tuy yêu con nhưng hãy dành đường lui cho chính mình. Tuy yêu con nhưng phải đặt ra giới hạn để tập cho con thói quen tự lập, tự kiến thiết cuộc đời của chúng. Tuy yêu con nhưng phải dạy con bổn phận để con sống có trách nhiệm, biết quan tâm và yêu thương.

Đôi khi rạch ròi “ᵭời cua cua máy đời cáy cáy đào” cũng là cách yêu con sáng suốt.