Hiện tại, đang là thời điểm đầu năm học mới và câu chuyện xoay quanh những khoản phí mà phụ huynh phải đóng góp lại nóng hơn bao giờ hết. Đặc biệt là mới đây, một phụ huynh ở TP.HCM đã thu hút sự chú ý của rất nhiều phụ huynh khác khi nêu ý kiến về 1 khoản thu “vô ích”, vốn dĩ không cần thiết và mong muốn tất cả các phụ huynh cùng lên tiếng để nhà trường bỏ khoản thu này.
Cụ thể, phụ huynh này đã đưa ra quan điểm của mình như sau:”Các thông báo của lớp thì đã có nhóm Zalo. Thông tin của trường thì đã có website. Thông tin cá nhân học sinh thì đã có đi họp phụ huynh 4 lần/năm rồi. Có thể nào tất cả phụ huynh chúng ta cùng lên tiếng để bỏ đi, hoặc giảm phí lại không? Hiện tại đang là thu mỗi bé từ 130.000-200.000/học sinh/năm cho phí Sổ liên lạc điện tử. Vừa lãng phí, vừa quá cao, vừa là thêm gánh nặng chi phí cho những gia đình khó khăn“.
Nhiều phụ huynh muốn được bỏ khoản thu phí Sổ liên lạc điện tử: DSD
Ngay sau khi ý kiến của phụ huynh này được công khai, nhiều phụ huynh khác đã đồng tình cho rằng, mỗi lớp đều có group trên Zalo. Thậm chí, mỗi lớp có hai group, một group phụ huynh với nhau và một group phụ huynh cùng giáo viên chủ nhiệm. Thứ hai, hiện nay các nhà trường đều có trang thông tin điện tử, fanpage… và phải công khai các thông tin trên ấy. Như vậy, tất cả thông tin cần thiết đều đã được gởi trong hai group này, cần xem thêm thông tin thì vào web trường, fanpage của trường, sổ liên lạc điện tử để làm gì nữa?
Thay vì giáo viên chủ nhiệm sẽ gởi thông báo trong group lớp thì phải gởi thông báo trong sổ liên lạc điện tử. Những thông tin về tiết học trải nghiệm hay chương trình ngoại khóa, kết quả học tập của học sinh… cũng y như vậy.
Bên cạnh đó, một số phụ huynh cung cấp thông tin rằng, tại trường của con họ, sổ liên lạc điện tử đã không còn áp dụng. Những năm trước, hàng tháng, họ phải chi trả 20.000 đồng tiền sổ liên lạc điện tử nhưng chỉ để đổi lại tin nhắn “điểm danh con đã đến trường”.
Họp phụ huynh đầu năm để chuẩn bị cho năm học mới, ảnh: dSD
Tuy nhiên, vẫn có một luồng ý kiến đi ngược lại với nhận định trên. Những phụ huynh này cho rằng, với vài chục ngàn mỗi tháng, sổ liên lạc điện tử xứng đáng để “đầu tư” bởi họ có thể theo dõi tình hình con cái trên lớp học và là cách để phối hợp chặt chẽ hơn với nhà trường trong quá trình nuôi dạy con nhỏ.
Theo những người này, phụ huynh có thể kiểm tra sổ liên lạc điện tử để nhìn vào để biết con yếu kém môn gì, cho tăng cường thêm, báo vắng hàng ngày biết con đến vào lớp đủ hay vắng.
Có thể phụ huynh chưa biết để khai thác, dùng hết lợi ích của sổ liên lạc điện tử, nhưng về phía nhà trường cần có để quản lý, lưu giữ hồ sơ học sinh, giáo viên với một hệ thống dữ liệu khổng lồ…. Thời đại 5.0 rồi, không thể vì một số không biết mà không cho cả ngành dùng.
“Sổ tay diện tử là tiết kiệm rác thải, tiết kiệm chi phí, 1 tháng 20 ngàn đồng rẻ hơn đăng ký truyền hình cáp với wifi rất nhiều hoặc 1 bữa đãi bạn bè. Bạn biết được tình hình học tập của con, bạn biết con có đến trường hay không, biết ngày mai con thi môn gì, v.v…1 năm họp 2 lần giữa và cuối học kỳ mới biết điểm, bao nhiêu tốt đẹp bạn không thấy sao chỉ thấy mỗi 20k 1 tháng là đắt đỏ.
Mọi thứ đều sẽ số hóa trong tương lai rất gần. Zalo chỉ là kênh liên lạc, không phải sổ học bạ để học sinh chuyển trường, lên cấp, không đánh đồng việc đó. VHãy nhìn vào mặt tích cực của nó đi bạn, mỗi kì họp yêu cầu nhà trường làm tốt chức năng của học bạ số ngoài việc việc điểm danh, báo điểm số”, một phụ huynh nêu ý kiến.
Trước những phản ứng trái chiều, phụ huynh này phản biện: “Chúng ta bàn về việc chi phí có hợp lý, cần thiết hay không so với công năng. Chứ không phải đi so sánh với chi phí giải trí. Và điểm số là để đánh giá quá trình học tập. Quá trình đó cần thời gian đủ để đánh giá, chứ không phải tuần này biết con mình 5 điểm thì làm sao cho nó học lên 10 điểm tuần sau mới kịp“.
Hiện nay, chưa có bất cứ quy định nào của ngành Giáo dục về dịch vụ sổ liên lạc điện tử, tất cả vẫn là tự nguyện, tự phát và có sự thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huynh. Thế nhưng, tâm lý chung của nhiều phụ huynh là dù không muốn tham gia nhưng nhà trường đã giới thiệu thì đành tặc lưỡi đăng kí vì e sợ con dễ rơi vào cảnh bị phân biệt đối xử khi khác biệt bạn bè.
Ngoài sổ liên lạc điện tử, nhiều phụ huynh còn đề xuất nên bỏ việc bắt buộc mua các bộ thực hành Toán, tiếng Việt. Một số cho biết, con họ học lớp 5, 4 năm liền đều mua bộ dụng cụ này nhưng hầu như còn mới nguyên không dùng đến. Trong khi đó, giá của các bộ dụng cụ này khá cao, từ 200 ngàn đồng.
Hiện tại, vụ việc này vẫn đang thu hút dư luận với rất nhiều quan điểm được đưa ra để bảo vệ cho ý kiến của mình.
Nguồn : https://www.webtretho.com/p/dau-nam-hoc-phu-huynh-tranh-cai-ve-1-khoan-phi-vo-ich-khong-can-thiet-nhung-rat-nhieu-truong-van-thu