Nghe chị họ nói, tôi rất ngạc nhiên. Việc ông bà nội được đền bù tiền ruộng tôi có biết. Tôi nghĩ số tiền ấy chắc cũng ít thôi, không nghĩ nhiều đến tiền tỷ.
Tôi và chồng lấy nhau 8 năm, có hai cậu con trai. Hai vợ chồng đều quê tỉnh lẻ, cùng lên làm công nhân trong một khu công nghiệp ở Hà Nội, gặp nhau rồi nên duyên vợ chồng.
Thu nhập hai vợ chồng cộng lại, hàng tháng trừ các khoản cố định như tiền thuê nhà, tiền điện nước, tiền học cho con, tiền chi tiêu sinh hoạt hàng ngày, còn lại chẳng đáng bao nhiêu. Chắt bóp chi tiêu lắm, năm ngoái chúng tôi mới mua được mảnh đất nhỏ 58m2 ở một làng gần khu công nghiệp.
Nhiều khi nằm trong căn phòng trọ chật chội, nóng bức vào mùa hè, tôi thật sự khát khao có một mái nhà rộng rãi hơn. Nhưng nhìn vào tình hình thu nhập hai vợ chồng, chưa biết ước mơ ấy bao giờ mới thành hiện thực.
Người ta khó khăn còn có chỗ cậy nhờ. Còn chúng tôi, hai bên nội ngoại đều làm nông, về cơ bản cũng không khá giả. Chồng tôi thường động viên: “Chỉ cầu có sức khỏe, chí thú làm ăn, tích tiểu thành đại, chẳng lẽ lại đi thuê trọ cả đời. Mà nếu không mua được nhà, già rồi mình về quê ở”.
Có lần tôi bàn bạc với chồng, nếu chờ đủ tiền xây nhà, chắc mình cũng già rồi, các con thì ngày càng lớn, không thể ở mãi thế này. Tôi muốn nhờ hai bên nội ngoại hỗ trợ cho vay, xây căn nhà cấp 4 ở tạm.
Ông bà ngoại nói không có sẵn tiền nhưng có thể cầm cố sổ đỏ vay ngân hàng cho chúng tôi vay vài ba trăm triệu, ông bà sẽ trả lãi cho. Nhưng ông bà nội thì nói không có tiền. Nếu làm nhà, ông bà chỉ cho được 20 triệu đồng.
Tôi nghĩ, tự nhiên mình làm cái nhà, bên nội không giúp gì, lại để ông bà ngoại vay ngân hàng trả lãi nên quyết định thôi, không cố nữa.
Chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như đợt vừa rồi về quê đám giỗ bên nhà nội, tôi biết một chuyện. Hôm đó, khi đang ngồi rửa bát đũa ở góc sân, chị họ của chồng tôi đến ngồi rửa cùng.
Chị ấy hỏi tôi, nghe bảo đã mua được đất, định bao giờ làm nhà? Nghe tôi bảo chưa có tiền, chị nói: “Thế bố mẹ chồng không cho ít nào thêm vào mà làm à? Năm ngoái, ông bà được đền bù tiền ruộng nhiều lắm, có tiền tỷ gửi ngân hàng còn gì”.
Tôi nghe xong rất ngạc nhiên. Việc ông bà nội được đền bù tiền ruộng tôi có biết. Đợt đó, ông bà cũng có cho hai đứa con tôi 10 triệu đồng, nói là lộc của ông bà. Tôi nghĩ số tiền ấy chắc cũng ít thôi, không nghĩ nhiều đến tiền tỷ.
Tối hôm đó, sau bữa cơm, tôi nói với cả nhà: “Ông bà có tiền gửi ngân hàng, cho chúng con vay làm nhà, chúng con trả dần ạ”. Cả hai ông bà đều xua tay nói không có. Tôi cười bảo, cả làng ai cũng biết ông bà có tiền tỷ gửi ngân hàng, chỉ có con cái là không biết.
Đến lúc này, bố mẹ chồng mới bối rối nhìn nhau. Sau rồi ông lớn tiếng: “Tiền của chúng tôi, chúng tôi cho vay hay không là quyền của chúng tôi chứ. Mấy đứa xem, chúng tôi già rồi, tiền bạc cũng phải dành lúc già cả, ốm đau để không phiền hà con cái. Chả lẽ, đến lúc ấy bắt các con nuôi à?”.
Nghe những lời này, tôi cảm thấy thật sự thất vọng. Chồng tôi không biết chuyện này, có vẻ hơi ngạc nhiên vì điều vừa biết. Rồi anh nói lớn: “Đúng rồi, tiền của bố mẹ, bố mẹ cứ giữ lấy để sau này dưỡng già. Chúng con bằng này tuổi rồi, chẳng lẽ còn dòm ngó tiền của bố mẹ”.
Chồng kéo tôi ra ngoài, phê bình cách ứng xử của tôi. Anh nói, anh không biết ông bà có tiền. Nhưng dù có thì đó cũng là tiền của ông bà. Với tình hình nhà mình, lo thêm cho ông bà lúc đau ốm cũng rất khó khăn. Ông bà có tiền để dành, coi như mình an tâm một việc.
Nói thì nói vậy, tôi vẫn thấy bất mãn vô cùng. Người ta nói: “Trẻ cậy cha, già cậy con”. Lúc con cái cần thì bố mẹ giang tay giúp đỡ. Lúc bố mẹ già yếu thì con cái chăm sóc là lẽ thường.
Đằng này, bố mẹ có tiền tỷ gửi ngân hàng mà để con cháu mình lay lắt đi ở trọ, 4 người chen chúc trong căn phòng chật chội như thế. Vậy mà lúc nào ông bà cũng nói thương cháu, thương con, hóa ra chỉ là “đầu môi chót lưỡi”.
Vả lại, dù ông bà có tiền, khi ốm yếu vẫn cần con cái trông nom, chẳng lẽ ông bà dùng tiền thuê người khác chăm, còn chúng tôi không cần có trách nhiệm?