Nghệ sĩ nửa mùa và phát ngôn thiếu tấm lòng
Giữa sự ồn ào các vụ việc nghệ sĩ thiếu minh bạch khi làm từ thiện, đã có một số ý kiến đi ngược dòng, rằng “lên án nghệ sĩ rồi ai cứu dân”, “nghệ sĩ không làm từ thiện nữa thì ai làm”, “nếu có bão lũ thì nghệ sĩ không cứu nữa, đó không phải là trách nhiệm của người nghệ sĩ”…
Cạnh đó, một vài nghệ sĩ có chút tên tuổi hoặc ít có tên tuổi trong showbiz đã đăng tin tức về một cơn bão sắp đổ bộ miền Trung kèm theo lời bình luận: “Mong bão lũ như năm ngoái thì để nhiều người nhận ra”…
Những ý kiến ấy, câu nói ấy làm rất nhiều người bất bình. Thứ nhất, bởi cái ý “mong bão lũ đến để minh chứng sự thật”, dù chỉ là một so sánh trong cơn bức xúc, nhưng thể hiện sự thiếu từ tâm từ một, những người được mệnh danh là nghệ sĩ. Chẳng ai đi mong cầu điều không hay xảy đến cho đồng bào mình, chỉ để chứng minh cho câu chuyện “đúng sai”, gỡ gạc danh dự nghệ sĩ.
Một số fan hâm mộ và nghệ sĩ dường như đang “ảo tưởng” sức mạnh của nghệ sĩ. Từ nhiều năm nay, nhiều nghệ sĩ được tung hô quá mức so với tài năng và phẩm giá của mình. Có những nghệ sĩ đăng đàn nói xấu, tranh cãi tay đôi với người hâm mộ.
Có những nghệ sĩ thẳng thừng tuyên bố “khán giả không hề nuôi nghệ sĩ”, vì mối quan hệ giữa hai bên là mối quan hệ sòng phẳng, nghệ sĩ cũng không cần phải tri ân khán giả.
Lại cũng có nghệ sĩ, tự khẳng định rằng bản thân là “vùng cấm”, có nghệ sĩ khác tuyên bố đanh thép “không ai được đụng đến nghệ sĩ”. Để rồi, khi một cư dân mạng nói lời xúc phạm đến nghệ sĩ quá cố, một đoàn nghệ sĩ lẫn người hâm mộ đã kéo đến để “dạy dỗ” cư dân mạng kia.
Với những tâm thế ấy, chẳng trách gì một bộ phận nghệ sĩ sinh ra ảo tưởng và tự tôn vinh mình quá đáng trong mọi chuyện, kể cả câu chuyện làm từ thiện. Họ cho rằng mình đã làm tốt, quá tốt, giúp người dân, công chúng phải mang ơn họ. Họ cũng nghĩ rằng, nếu họ không làm từ thiện thì còn có ai làm nữa?
Những nghệ sĩ ấy, dù các hành động xuất phát từ cái tâm tốt, muốn giúp đỡ người nghèo, nhưng với phát ngôn bạt mạng, với sự mập mờ thiếu minh bạch về tiền bạc huy động làm từ thiện, với tâm thế coi thường công chúng thì bao nỗ lực, công sức cũng đổ sông, đổ bể.
Công chúng có một đặc tính, lúc đã thương, đã tin yêu thì tin yêu hết mình. Nhưng một khi niềm tin đã bị đổ vỡ, uy tín đã đánh mất thì đám đông quay lưng, trở mặt rất nhanh. Nhiều nghệ sĩ thời gian qua đã mất đi “hào quang” trong mắt công chúng, không còn được hâm mộ, thậm chí khó lòng quay lại làng giải trí, cũng từ những lý do như thế.
Những người lặng lẽ từ tâm
Thực ra, nếu lấy câu nói ấy để chỉ trích nghệ sĩ nói chung cũng hoàn toàn không chính xác. Những người phát ngôn ra câu nói phản cảm ấy, chỉ là những fan hâm mộ mù quáng hoặc một số “nghệ sĩ” ít tên tuổi nhưng thừa tự tôn, coi thường khán giá. Nghệ sĩ chân chính, chẳng ai thốt lên điều đó.
Trong khi “nghệ sĩ” nửa vời đi tranh cãi từng lời với khán giả, đôi co về chuyện vì sao không minh bạch thì nghệ sĩ chân chính vẫn lặng lẽ làm điều mà họ cho là đúng, là đáng. Công chúng vẫn luôn yêu thương và ủng hộ họ.
Nghệ sĩ Quyền Linh giản dị đi xe máy đến các ngõ hẻm trao quà cho người dân khó khăn. |
Quyền Linh là một nghệ sĩ được mệnh danh là “nghệ sĩ quốc dân”, bởi hình ảnh bình dị và những điều anh đã làm được cho người dân. Người Sài Gòn quen thuộc với hình ảnh Quyền Linh quần short, dép tổ ong, đẫm mồ hôi trong đồ bảo hộ, nhiều khi đi xe máy len lỏi khắp nơi để gửi quà, vác gạo cho bà con nghèo, trao đồ cho bệnh viện.
Anh từng nói: “Càng đi càng thấy thương cho những hoàn cảnh đã khó nay lại càng khó hơn. Sài Gòn đã thấm mệt, không ai có thể nghĩ rằng Sài Gòn bệnh nặng như thế. Thương Sài Gòn đứt ruột, đứt gan. Không ít người như Linh đang cùng một tâm sự: Lúc này đây, TP đang “bão” và không ai ngồi yên đâu. Biết bao tình yêu thương đang lan tỏa khắp từng góc phố. Với sự góp sức của Nhà nước và hàng triệu trái tim, người dân sẽ sớm khỏe, sẽ không ai bị bỏ lại sau lưng. Một ngày không xa, quê hương thứ hai của hàng triệu người sẽ tiếp tục bao dung, cưu mang các ước mơ, hoài bão. Chúng ta sẽ thắng, sẽ hết bệnh và sẽ lại bình an”.
Rồi H’Her Niê, cô Hoa hậu chạy xe máy vào những hẻm nhỏ đi chợ giúp dân, vác từng bao gạo, bê từng túi quà, làm luôn tình nguyện viên đội test COVID – 19, phụ bếp ăn từ thiện và không nề hà việc lớn nhỏ nào. Khi thì rong ruổi trên đường với chiếc Wave cũ, lúc lại ngồi bệt bên sàn bếp cắt gọt rau củ.
Và nữa, giữa tâm dịch, người ta từng xúc động với đội nghệ sĩ gồm 130 người làm tình nguyện viên tham gia chống đại dịch COVID-19, không chỉ làm những công việc thường nhật của tình nguyện viên mà còn đem tiếng hát xoa dịu những nỗi đau đớn của bệnh nhân, nhọc nhằn của y, bác sĩ. Tiếng kèn của nghệ sĩ Saxophone Trần Mạnh Tuấn giữa khoảng sân lộng gió của bệnh viện dã chiến trong những ngày Sài Gòn đau thương nhất đã lay động sâu sắc đến trái tim mỗi người.
Ở thời điểm này, mặc dù những ồn ào từ thiện chưa hề lắng xuống, nhưng NSND Kim Cương đã cùng nhiều nghệ sĩ có tâm khác tổ chức chăm lo về mặt tinh thần cho 200 trẻ mồ côi cha mẹ do dịch COVID-19.
Người ta lên án những nghệ sĩ lừa dối khán giả, phát ngôn gây sốc, gây ra đủ thứ scandal nhưng không hối cải. Không ai lên án những nghệ sĩ tâm huyết và rõ ràng.
Từ trước đến nay, quả thật rằng nghệ sĩ là những người có sức ảnh hưởng, nhiều fan hâm mộ có tiếng nói, thế nên, khi lên tiếng, có rất nhiều công chúng ủng hộ.
Tuy nhiên, như thế không có nghĩa là, ngoài nghệ sĩ sẽ không có ai làm từ thiện. Mỗi một hoạt động từ thiện của nghệ sĩ đều được phản ảnh từ báo chí đến mạng xã hội, khiến dư luận quan tâm, người ta biết đến nhiều. Nhưng, còn biết bao con người hảo tâm, bao tổ chức từ thiện chân chính từ Nhà nước đến tư nhân âm thầm mà tích cực những hoạt động thiện nguyện tốt đẹp, hiệu quả.
Nhiều nghệ sĩ tặng hộp bánh, túi quà cũng xuất hiện trên mặt báo rầm rộ. Còn có những con người, những đội ngũ tái xây dựng nhiều khu làng tái định cư, bố trí nơi ăn, chốn ở cho nhiều làng mạc bị mất trắng sau lũ, gồng mình chở hàng hóa xây dựng lại làng bản cho người dân tộc thiểu số, đan áo ấm cho cả làng dân tộc miền núi… và không lên báo, không xuất hiện trên truyền thông, chỉ mình biết với nhau.
Thậm chí, có những doanh nghiệp làm từ thiện lên đến hàng chục, hàng trăm tỉ, như một hoạt động thường niên, nhưng âm thầm, lặng lẽ, không báo chí, truyền thông nào biết đến.
Trước câu hỏi “nghệ sĩ không làm thì lấy ai làm từ thiện”, cộng đồng đã tự khắc có câu trả lời. Nhiều người không trả lời bằng lý lẽ, bằng những cuộc tranh cãi. Họ lặng lẽ chia sẻ những tấm ảnh đầy cảm động của những chiến sĩ đang vượt lũ dữ, chèo thuyền giữa sóng to vớt người dân, đang vác cây, dựng nhà, tải gạo đến cho dân.
Trước và trong mỗi một cơn bão, trận lũ, Chính phủ huy động tới hàng trăm ngàn chiến sĩ, dân quân tự vệ, công an, bác sĩ, thanh niên, tình nguyện viên… làm nhiệm vụ chống bão, sơ tán dân, cứu hộ, cứu nạn… cho người dân. Sau những cơn bão, cũng các chiến sĩ, dân quân tự vệ, lực lượng từ các cơ quan nhà nước, tình nguyện viên ấy đi giúp dân dựng lại nhà, trở lại với cuộc sống bình thường. Hàng trăm con người đội mưa, đội nắng, vất vả muôn vàn, không ai biết mặt, biết tên.
Rồi những chiến sĩ đã hy sinh trong những dòng lũ dữ, trong những cuộc núi lở, đá đè… trên đường cứu đồng đội, giúp người dân nữa. Những người ấy, không cần đến danh vọng, đến sự ồn ào tung hô của đám đông, mỗi một hành động của họ đều xuất phát từ tình thương yêu dành cho đồng loại của mình, trách nhiệm của con người đối với con người.