Về đến nhà con chạy thật nhanh vào toilet để “xả” gấp, ở lớp con nhịn được bao nhiêu thì hay bấy nhiêu.
Về đến nhà con chạy thật nhanh vào toilet để “xả” gấp, ở lớp con nhịn được bao nhiêu thì hay bấy nhiêu.
Có mẹ nào cho con đi mẫu giáo mà gặp tình trạng bé không chịu đi ị ở lớp chưa ạ. Em đọc chia sẻ của mẹ này mà thấy thương bé nhà chị quá. Công nhận nhiều đứa trẻ nhạy cảm thật, cô lỡ lời một câu thôi mà con nín nhịn đi vệ sinh luôn. Theo như chị kể, chỉ vì cô giáo bảo con đi thối quá mà bé cố nhịn đi nặng ở trường mẫu giáo suốt 3 năm.
Em thấy lo cho con nhà chị này ghê, trẻ con mà cứ cố nhịn khi có nhu cầu là dễ bệnh lắm. Không biết mẹ nào có cách hay giúp giải tỏa chướng ngại tâm lý cho con không.
Ảnh mang tính minh họa: QQ
Câu chuyện chị chia sẻ đại khái là con chị trước 3 tuổi chưa từng đi nhà trẻ. Từ khi đi học mẫu giáo, mẹ phát hiện con hay bị táo bón. Đi học về, con hay chạy nhanh vào nhà vệ sinh để đi nặng, kiểu rất gấp gáp. Mà suốt 3 năm mẫu giáo đều như vậy.
Chị nói thẳng luôn là chị biết con cố nhịn đi nặng ở trường vì lời cô giáo nhưng thử nhiều cách vẫn không giải quyết được. Chị kể lúc mới đi học, do con chưa quen kéo quần, kéo chậm nên đi vào quần. Cô giáo phải thay vài chiếc quần trong một ngày cho con.
Có lần con lỡ đi nặng vào quần do không kịp. Cô giáo nói con đi nặng mùi quá, lúc đón về cô cũng có nói với mẹ thêm lần nữa. Chắc có lẽ con thấy xấu hổ và sợ bị chê thối nên từ đó con nhịn được bao nhiêu thì nhịn, không đi nặng ở trường nữa. Chỉ đi ngoài nặng khi nào về nhà hoặc có mẹ, chứ không đi ở chỗ chỉ có người ngoài.
Xem đến đây em hơi khó hiểu, vì trẻ con thường muốn sẽ đi luôn, nhịn được như bé này thì hơi khó tin ạ. Nhưng đặt trường hợp là có thật như lời người mẹ kể thì đúng là vấn đề đáng ngại.
Ảnh mang tính minh họa: sina
Theo thông tin em tìm hiểu thì đây không phải trường hợp hiếm. Rất nhiều trẻ em ngại đi nặng ở nhà trẻ. Không chỉ ở mẫu giáo, nhiều trẻ lên đến tiểu học, lớp 1, 2 vẫn nhịn đi nặng ở trường. Tất cả đều do trở ngại tâm lý của con. Một số nguyên nhân được xác định như sau:
1. Con ham chơi nên nhịn lại không chịu đi
Khi người lớn bận việc gấp, họ cũng sẽ nhịn lại. Trẻ con cũng không ngoại lệ, khi con đang chơi vui hoặc nếu để đồ chơi xuống sẽ bị bạn lấy mất. Trẻ cũng sẽ chọn cách nhịn lại không đi nữa. Do con nhịn nên ruột sẽ tái hấp thu, dẫn đến con qua cơn mắc nên không đi nữa.
Một khi kìm hãm sẽ tích tụ lâu ngày trong người, dẫn đến táo bón. Mà bón thì con đi dễ bị đau, con lại thấy sợ, không dám đi nên lại nhịn tiếp. Vòng lẩn quẩn này khiến con càng sợ đi nặng hơn ở trường mẫu giáo và cả ở nhà.
2. Sợ bị chọc quê
Giống như em bé ở trên, vì cô giáo chê con đi nặng thối mà tự ái, quê mặt nên cố nhịn để khỏi đi ở lớp nữa. Nhiều khi người lớn nói chuyện với trẻ con quá thật, quá thô, cứ nghĩ trẻ nhỏ không nghĩ gì. Thực tế, trẻ con cũng để ý đến thể diện. Nếu con đi vệ sinh ở lớp mà bị cô phê bình hay bạn cười là con nghỉ đi ngay.
Ảnh mang tính minh họa: kknews
3. Sợ nhà vệ sinh
Một số nhà vệ sinh ở trường mẫu giáo có thể khiến trẻ sợ bị rơi, trượt chân hoặc đi không thoải mái. Một số trẻ có thể làm quen dần nhưng một số thì không. Lúc này con rất cần được động viên kịp thời. Chỉ cần có cô giáo đi cùng, trấn an, một thời gian con sẽ quen thôi.
4. Sợ cô giáo
Ở trường, để rèn các con vào nếp, các cô giáo sẽ yêu cầu bé giờ nào việc nấy. Nhưng việc gấp của đời người là đi nặng sẽ có thể đến lúc con đang phải đi ngủ trưa. Một số bé vì sợ cô nên không dám xin đi vệ sinh mà cố nằm yên.
Nếu lần đầu tiên cô giáo đưa trẻ đi vệ sinh ở trường mẫu giáo nhưng lại vô tình tỏ vẻ “ghê tởm”. Hoặc nói những câu đại loại như “sao con không đi trước khi ngủ”, trẻ sẽ ghi nhớ và ngại gọi cô vào lần sau.
Trên thực tế, việc một đứa trẻ có sẵn sàng đi vệ sinh ở trường mẫu giáo hay không cũng phản ánh việc bé có cảm giác thân thuộc và an toàn hay không. Nếu gặp trường hợp bé cố nhịn đi nặng thì mẹ cần tìm hiểu lý do.
Hoặc một số mẹ em thấy có cách khá hay là rèn thói quen cho con đi theo giờ giấc. Thường mẹ sẽ cho bé đi đúng giờ mỗi ngày vào buổi sáng sớm hoặc buổi tối. Như vậy là tiện nhất, lại đỡ lo con ở lớp đi không thoải mái, khỏi phiền cô giáo.
*Bài viết thể hiện góc nhìn cá nhân