Không góp tiền làm đường còn tuyên bố không cần đi, nhà trai bị dân làng chặn không cho đón dâu: Cái kết chua chát

Nhất quyết không góp tiền làm đường cùng hàng xóm, một gia đình ở vùng quê gặp tình cảnh dở khóc dở cười trong ngày cưới. 

Ở nhiều nơi, hàng xóm thường tự kêu gọi, góp tiền để cùng làm đường chung được sạch sẽ, đi lại thuận tiền hơn. Khi đường hoàn thành, mọi người đều được sử dụng vui vẻ vì cùng đóng góp, cùng tận hưởng sự tiện nghi.

Tuy nhiên, trong thực tế, không phải gia đình nào cũng vui vẻ, hoan hỷ đóng góp để cùng bà con sửa sang đường xá. Có thể vì tâm lý đường là của chung, xây xong thì ai chẳng đi được nên không cần phải đóng góp tốn kém. Điều này tình cờ lại dẫn đến mâu thuẫn, hục hặc tình làng nghĩa xóm. Điển hình như câu chuyện mà mình mới đọc gần đây, chia sẻ lại để mọi người cùng bàn luận nha.

hình ảnh

(Ảnh: Sohu)

Theo đó, trong ngày cưới, một gia đình ở vùng nông thôn bất ngờ gặp trở ngại khi xe hoa bị chiếc máy xúc chắn trước. Phía sau, hàng xe ô tô đợi để được di chuyển để kịp giờ lành tiến hành hôn lễ nhưng chiếc xe hoa dẫn đầu đoàn đã bị chặn lại. Gia đình hai bên đều sốt ruột, không biết phải giải quyết thế nào và không muốn cự cãi trong ngày cưới.

Hóa ra, khi làng làm đường xi măng để bà con tiện di chuyển, gia đình nhà trai nhất quyết không chịu đóng góp tiền. Lúc đầu, cả làng không quá gay gắt vì nghĩ nếu không góp tiền thì gia đình nên góp sức vì nhà có trai tráng. Tuy nhiên, gia đình này cho rằng không cần sử dụng đường xi măng nên không chịu tham gia với mọi người trong làng để làm đường mới.

Thậm chí, nhà này còn khẳng định, sau này nếu mua ô tô, họ sẽ đỗ ngoài cổng làng rồi đi bộ vào chứ không đi trên đường xi măng. Trước lời này, người dân trong làng cạn lời và không đòi hỏi gia đình phải đóng góp tiền hay sức người.

Đến hiện tại, gia đình này tổ chức rước dâu và muốn xe hoa đến trước cửa nhà mình và bị người dân trong làng chặn lại, yêu cầu nhà này phải làm đúng những gì đã tuyên bố trước đó.

Để đám cưới diễn ra suôn sẻ, gia đình nhà trai phải xuống nước, thương lượng với người dân trong làng để được tiếp tục di chuyển, kịp giờ lành tiến hành hôn lễ.

‏Khi câu chuyện được chia sẻ trên mạng xã hội, nhiều người đã đưa ra ý kiến cá nhân. Có bình luận hết sức ủng hộ cách làm của người dân trong làng vì “không có lửa, sao có khói”. Há chẳng phải gia đình kia đã hùng hồn tuyên bố không sử dụng con đường mới hay sao? Bởi vậy, khi lời nói và hành động của họ không thống nhất với nhau, người dân trong làng đã không dễ dàng bỏ qua.

Sống chung với nhau, việc xây dựng, sửa sang đường xá là vì lợi ích chung để ai cũng có thể tận hưởng. Việc làm đường đòi hỏi tốn tiền của, công sức nên cần huy động sự đóng góp của mọi người. Điều này còn thể hiện tinh thần đoàn kết, mình vì mọi người và gắn kết tình làng nghĩa xóm với nhau. Nếu ngay từ đầu, gia đình này biết đặt lợi ích chung, biết sống vì mọi người thì hôm nay không gặp cớ sự đáng tiếc như trên.

“Sao không đỗ xe ở đầu làng rồi đi bộ vào? Lúc trước mạnh miệng tuyên bố vậy mà, giờ chạy ô tô đi qua là sao?”, một cư dân mạng bình luận.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, việc chặn đường ngay ngày cưới là điều không nên và có thể ảnh hưởng đến giờ tiến hành hôn lễ. Đồng ý gia đình này có thể hành xử chưa đúng ý với người dân trong làng nhưng đường là của chung, không thể “độc chiếm” hay cấm họ không được phép sử dụng. Gia đình này có thể sai về hành xử nhưng người dân không nên “sai hùa” theo.