Chạy xe máy hàng nghìn km về quê ăn Tết

Đầu tháng Chạp, Lê Văn Vui, 28 tuổi, lên nhóm “Người đi xe máy về quê”, tập hợp được gần chục thanh niên cùng chạy 1.200 km từ TP HCM về Nghệ An.

Quyết định của anh được đưa ra sau khi nghe tin một đồng hương đi cùng chuyến xe khách có F0, phải cách ly 21 ngày. Sợ gặp cảnh tương tự, chàng trai làm cơ khí ở quận Bình Tân chọn hồi hương bằng xe máy.

“Sống một năm Covid-19 làm tôi quá ớn rồi, không muốn chuốc thêm chút rắc rối nào liên quan đến nó nữa”, anh nói. Những năm trước, ngoài 20 âm lịch Vui mới mua vé máy bay rời Sài Gòn. Năm nay, anh quyết định về trước gần một tháng, vượt hơn nghìn cây số bằng xe máy vì “chỉ cần đoàn tụ”.

Lê Văn Vui là một trong gần 2.000 thành viên của nhóm “Người đi xe máy về quê” trên mạng xã hội do Nguyễn Văn Linh (quê Anh Sơn, Nghệ An) lập ra. Gần Tết, trong bối cảnh số ca Covid-19 tại nhiều tỉnh chưa có xu hướng giảm, anh Linh đoán có nhiều người muốn chạy xe máy về quê nên lập nhóm để chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau.

“Năm trước, với quãng đường hàng trăm, thậm chí hàng nghìn km mọi người thường về quê bằng xe khách, máy bay nhưng năm nay nhiều người tỏ ý định chạy xe máy về để tránh ‘va phải F0′”, Linh, một lao động tự do ở TP Bắc Ninh, nói và cho biết thêm, một số trường hợp đã tìm được bạn đi cùng xe, người không có xe được đồng hương cho đi cùng nhờ trao đổi trên nhóm.

Từ đầu tháng 12 âm lịch, tương tác trong nhóm với thành viên từ khắp các tỉnh Bắc, Trung, Nam sôi nổi hơn. Trung bình mỗi ngày có hơn chục người đăng tin muốn lập hội hồi hương. “Nhóm nhỏ khoảng chục người, nhóm đông có khi lên cả trăm người”, Linh cho biết.

Theo khảo sát của VnExpress, hơn 20 ngày trước Tết, vé máy bay các chặng nội địa dịp Tết vẫn khá dồi dào, nhiều chặng nội địa giá vé rẻ nhất 3 năm gần đây. Thậm chí, đường bay vàng TP HCM – Hà Nội, vé khứ hồi ngày cao điểm chỉ còn 2,5 triệu, bằng hơn nửa giá thông thường. Vé tàu Tết năm nay cũng ít được săn đón hơn. Đại diện bến xe Miền Đông (TP HCM) ước tính lượng khách về quê bằng xe khách năm nay giảm hơn 40% so với năm ngoái. Sở Giao thông Vận tải TP HCM cho biết, một số bến xe liên tỉnh bán chưa được 20% lượng vé. Một số nhà xe nhận định, ngoài những người ở lại TP HCM ăn Tết, nhiều người chọn cách về nhà bằng xe máy thay vì phương tiện công cộng, nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm Covid-19.

Anh Huỳnh Hoài Hận, đội trưởng đội cứu hộ SOS Tháp Mười, chuyên sửa xe cho người chạy xe máy về quê qua đường N2, huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) cho biết, lượng người đi xe máy về quê dịp Tết năm nay tăng gấp đôi so với năm trước. Anh dự kiến vài ngày tới số người về quê đông hơn nữa nên đội sẽ chia ca hỗ trợ bà con 24/24.

Chạy xe máy đường dài hồi hương đối mặt nhiều nguy hiểm. Nữ công nhân Nguyễn Như Quỳnh, 32 tuổi, nói sẽ không bao giờ chạy xe máy về quê, sau hành trình hơn 370 km khiến con gái 5 tuổi nhập viện.

Xin được công ty cho nghỉ Tết sớm, Quỳnh lên nhóm đồng hương đang có kế hoạch chạy xe máy từ Bình Phước về Gia Lai, tìm người đi chung xe, dọc đường đổi nhau cầm lái. Chưa từng đi xe máy quá 100 km lại có con nhỏ 5 tuổi nhưng chị vẫn quyết định lên đường hôm 19/1. “Con bé chưa tiêm vaccine, tôi sợ đi xe khách có thể lây nhiễm virus từ người khác”, Quỳnh giải thích.

Theo dặn dò của những người có nhiều kinh nghiệm trong nhóm, Quỳnh bảo dưỡng xe, chuẩn bị đồ đạc, thức ăn, nước uống đầy đủ. Đi được 1/3 chặng đường, cô con gái đột nhiên than mệt. Dừng xe, chị thấy con run lên kêu rét, trán nóng bừng bừng. Cả đoàn hơn 20 người tấp vào lề đường đợi.

“Lo cho con, lại sợ phiền mọi người đi đường xa mệt mỏi, tôi nhờ bạn đi cùng đèo vào viện rồi bảo về trước”, chị nói. Một số người tách đoàn chạy trước, một số chọn ở lại đợi, nhưng Quỳnh nói sẽ để con ở viện theo dõi. Chặng đường tưởng chỉ mất một đêm để về nhà của mẹ con chị kéo dài thành ba ngày.

Ra viện, chỉ còn hai mẹ con nên Quỳnh chạy “như bò trên đường, chỉ dám giữ tốc độ 30km/h”. Do tay lái yếu lại chưa quen chạy xe trên quốc lộ, có lần xe tải lướt qua, chị bị gió bạt làm ngã sõng soài. Hai mẹ con tay chân rớm máu. “Cũng may là về được đến nhà”, chị kể.

Không chỉ mẹ con chị Quỳnh gặp sự cố, mà cả những thanh niên sức khỏe tốt như anh Vui cũng mệt lả vì ngồi trên xe suốt chặng đường 1.200 km, ăn uống không đầy đủ, thấm gió sương. Vui kể, lúc qua đèo Hải Vân khi trời tối, sức đuối, bụng anh sôi lên vì lo. Đổ đèo, cả nhóm í ới gọi đi gần nhau hơn, nắm chắc tay phanh.

Đến Quảng Trị, một xe bị cán đinh dọc đường, thủng săm. Vì chờ đợi nhau, cả nhóm về trễ hơn dự định. “Đến khu cách ly của tỉnh nhà, tôi nằm nguyên một ngày vì người rã rời”, Vui nói.

Anh Nguyễn Văn Linh thường nhắc các thành viên bảo dưỡng xe để tránh hỏng dọc đường, mang theo xăng, lương thực, mặc áo mưa để giữ nhiệt cơ thể, đội mũ bảo hiểm có kính chắn và giữ tốc độ ổn định.

Theo Linh, nếu không vì bất đắc dĩ, những người sức yếu không nên chạy xe máy về quê. Tùy vào quãng đường đi, trung bình bốn tiếng nên tìm chỗ dừng chân 10-15 phút để chờ đoàn, giải quyết vấn đề cá nhân và cho cả xe lẫn người nghỉ ngơi. Nếu nhóm có người thạo đường mới nên đi đường tắt. Còn lại, cần đi đường chính, trang bị Google map để không lạc đường.

“Những người đi đường dài phải có thể lực tốt, đủ tỉnh táo xử lý chướng ngại vật. Hai người trên xe phải có bằng lái để thay nhau chạy”, Linh đúc rút kinh nghiệm.

Hôm 16/1, anh Linh và hơn chục đồng hương tập hợp tại cây xăng gần cao tốc TP Bắc Ninh để về quê. Đến tỉnh nhà, họ mượn sẵn ngôi nhà trong rừng để cả hội cách ly, vừa thoáng đãng, vừa bảo đảm an toàn cho người xung quanh.

Anh Lê Văn Vui cũng đã hoàn thành cách ly tại UBND xã, thở phào khi được ở bên gia đình dịp xuân sang. Vết thương nhẹ trên người mẹ con chị Quỳnh đã khỏi. Chị cho biết tạm thời để đầu óc thoải mái mấy ngày xuân, ra Tết mới tính đi phương tiện nào quay lại nơi làm việc.