Đây là tin vui với những người đủ tuổi nghỉ hưu nhưng không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
Tuổi già là một thời kỳ chông chênh nhất trong cuộc đời khi mà bệnh tật tìm đến, sức khoẻ giảm sút và tiền tiết kiệm ngày một cạn dần. Nếu về già có khoản lương hưu đủ sống sẽ giúp người già tự tin hơn, vui vẻ hơn mỗi ngày. Tuy nhiên, những người không có lương hưu vẫn được hưởng một khoản trợ cấp hàng tháng theo chính sách của Nhà nước. Đây là tin vui với những người đủ tuổi nghỉ hưu nhưng không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
Đối tượng được đề xuất hưởng trợ cấp hàng tháng
Những người đủ tuổi nghỉ hưu nhưng không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội sẽ được hưởng một khoản trợ cấp hàng tháng. Đây là đề xuất của Chính phủ được thể hiện tại Điều 23 dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Ủy ban Xã hội cho rằng đây là nội dung mới bổ sung và theo giải trình của Cơ quan chủ trì soạn thảo là để nhằm bảo đảm sự kết nối giữa tầng bảo hiểm xã hội cơ bản và tầng trợ cấp hưu trí xã hội.
Theo đề xuất, những người đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định nhưng không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, có thời gian đóng bảo hiểm xã hội, nếu có nguyện vọng thì sẽ được hưởng trợ cấp hàng tháng trong khoảng thời gian trước khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
Về thời gian hưởng, mức trợ cấp hàng tháng tùy thuộc vào tổng thời gian đóng, căn cứ tháng đóng bảo hiểm xã hội của người lao động.
Mức trợ cấp hàng tháng được tính thấp nhất bằng mức trợ cấp hưu trí xã hội. Trường hợp tổng số tiền tính theo thời gian đóng, căn cứ tháng đóng bảo hiểm xã hội của người lao động cao hơn số tiền tính mức trợ cấp hàng tháng bằng mức trợ cấp hưu trí xã hội cho khoảng thời gian từ khi đủ tuổi nghỉ hưu đến khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội thì người lao động tính để hưởng trợ cấp hàng tháng với mức cao hơn.
Trong trường hợp người lao động đang hưởng trợ cấp hàng tháng mà chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp một lần cho những tháng chưa được nhận và được trợ cấp mai táng nếu đủ điều kiện quy định. Và, trong thời gian hưởng trợ cấp hàng tháng, người lao động được hưởng bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước đảm bảo.
Các phương diện cần minh bạch của đề xuất trợ cấp hàng tháng
Để có cơ sở cho Quốc hội xem xét, quyết định, Ủy ban xã hội đề nghị Chính phủ đánh giá toàn diện, đầy đủ hơn về những quy định trong Điều 23 ở một số vấn đề sau:
– Chính phủ cần lưu ý giải trình rõ việc tính toán mức hưởng, thời gian hưởng và sự liên kết với chế độ trợ cấp hưu trí xã hội chỉ thuần túy về mặt thời gian hay bao gồm cả mức hưởng và thời gian hưởng.
– Quy định như dự thảo Luật không làm rõ việc phân định chỉ chi trả từ phần đóng góp cho người tham gia đến trước thời điểm đạt 75 tuổi hay trong thời gian này thì sẽ vừa được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội lại được hưởng thêm phần đóng góp do họ đã tích lũy.
– Các tác động đến chính sách khuyến khích người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện khi bổ sung quy định này.
– Chính phủ cần làm rõ điều kiện về đối tượng (tất cả các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội hay chỉ với đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc), thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tối thiểu, bình quân mức đóng (theo quy định của bảo hiểm xã hội bắt buộc hay bảo hiểm xã hội tự nguyện) và mức hưởng trợ cấp hàng tháng.
– Chính phủ giải trình rõ các tác động đến cân đối Quỹ bảo hiểm xã hội do bổ sung chế độ trợ cấp hưu trí xã hội chưa được Hồ sơ dự án Luật đề cập. Trong khi đó, theo quy định của dự thảo Luật thì ngân sách Nhà nước sẽ chi trả bảo hiểm y tế đối với trường hợp này, song Báo cáo đánh giá tác động cũng chưa có đánh giá về việc này để bảo đảm tính khả thi.
– Làm rõ việc bổ sung tính kết nối, liên tục giữa các tầng trong hệ thống an sinh xã hội cần phải được cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng hơn và phải được tiếp tục nghiên cứu để có quy định đảm bảo tính linh hoạt, thuyết phục, hấp dẫn, khuyến khích hơn.
– Cân nhắc đến sự phản ứng của người dân, của dư luận đối với các trường hợp giãn đoạn trong thụ hưởng chính sách, nhất là liên quan đến nhóm đối tượng người cao tuổi. Bên cạnh đó, khi điều kiện kinh tế – xã hội phát triển, mức trợ cấp hưu trí xã hội được nâng lên, mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội không có nhiều cải thiện, chuẩn nghèo về thu nhập cũng tiếp tục được nâng thì thời gian thụ hưởng chính sách này càng ngắn và ý nghĩa của chính sách trợ cấp hưu trí xã hội sẽ không nhiều.