Khi người lao động thuộc nhóm phải đóng bảo hiểm xã hội thì doanh nghiệp, người sử dụng lao động phải đóng khoản đó nhưng nếu người lao động không thuộc diện này thì doanh nghiệp trả phần tiền đó cho người lao động.
Báo Thời báo VHNT ngày 05/10 đưa thông tin với tiêu đề: “Những người này đi làm không phải đóng Bảo hiểm xã hội còn được nhận khoản tiền tương ứng, biết để tránh thiệt thòi” cùng nội dung như sau:
Những đối tượng không phải đóng BHXH được nhận tiền tương đương
Luật bảo hiểm xã hội và Bộ luật lao động đều có nhắc tới các trường hợp đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và không.
Nếu người lao động không phải diện đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thì người người lao động được nhận khoản tiền tương đương với mức đóng Bảo hiểm xã hội.Theo quy định hiện hành, người sử dụng lao động, người lao động phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp nếu thuộc đối tượng tham gia.
Bộ Luật lao động 2019 quy định trường hợp người lao động không thuộc đối tượng bắt buộc tham gia thì khi đi làm việc, quyền lợi được giải quyết như sau:
– Đối với người lao động không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc thì sẽ được doanh nghiệp thanh toán thêm một khoản tiền tương đương với tiền mà doanh nghiệp phải đóng bảo hiểm cho người lao động.
Còn Quyết định 595 năm 2017 của BHXH Việt Nam, những người lao động sau được nhận tiền thay cho việc đóng bảo hiểm xã gồm:
– Người giúp việc gia đình; người lao động đi làm nhưng đang hưởng lương hưu hàng tháng; người lao động đi làm nhưng đang hưởng trợ cấp hàng tháng; người lao động đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng; Người lao động là quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu đang hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng.
Mức tiền doanh nghiệp trả tiền đóng BHXH cho người lao động
Nếu người lao động không thuộc đối tượng phải đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp thì khi đi làm, người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương một khoản tiền cho người lao động tương đương với mức người sử dụng lao động đóng Bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo quy định của pháp luật về BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Theo quy định hiện hành, hàng tháng, người sử dụng lao động sẽ phải trích đóng Bảo hiểm xã hội với các tỷ lệ nhất định (21,5% hoặc 21,3%) của tiền lương làm căn cứ đóng Bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Trong đó, hưu trí – tử tuất là 14%; ốm đau, thai sản là 3%; tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là 0,5% hoặc 0,3%; bảo hiểm thất nghiệp 1% và bảo hiểm y tế 3%.
Do đó nếu người lao động không thuộc diện đóng bảo hiểm bắt buộc thì khi đi làm, ngoài tiền lương, sẽ được nhận thêm số tiền thay cho đóng BHXH bằng 21,5% hoặc 21,3% nhân với tiền lương làm căn cứ đóng BHXH.
Tự thỏa thuận nhận tiền thay cho đóng Bảo hiểm xã hội sẽ phạt nặng
Những đối tượng là người lao động không phải tham gia đóng BHXH bắt buộc thì người sử dụng lao động phải trả thêm khoản tiền tương đương.
Nhưng nếu các đối tượng không thuộc các trường hợp quy định ở trên mà lại thỏa thuận với người sử dụng lao động để nhận tiền thay vì đóng Bảo hiểm xã hội bắt buộc thì cả người lao động và người sử dụng lao động đều sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động.
– Người lao động bị phạt 500.000 đến 1 triệu đồng, người sử dụng lao động bị phạt tiền từ 12% – 15% tổng số tiền bảo hiểm phải đóng nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng.
Trước đó, báo Dân trí ngày 04/10 cũng có bài đăng với thông tin: “Đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện 15 năm một lần để có lương hưu từ năm 2025?”. Nội dung được báo đưa như sau:
Tại cuộc giao lưu trực tuyến giải đáp thắc mắc về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, người lao động đặt câu hỏi: “Khi Luật bảo hiểm xã hội có hiệu lực từ 1/7/2025, mẹ tôi 62 tuổi đủ tuổi nghỉ hưu, chưa tham gia bảo hiểm xã hội. Mẹ tôi muốn tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thì có thể đóng 1 lần 15-20 năm để hưởng lương hưu luôn không? Mức đóng cao hơn 22% được tính thế nào?”.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội có hiệu lực từ 1/7/2025, người tham gia đóng bảo hiểm xã hội đủ 15 năm thì đủ điều kiện hưởng lương hưu.
Tại khoản 2 Điều 36 Luật Bảo hiểm xã hội quy định người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được đóng một lần cho nhiều năm về sau và một lần cho thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu để đủ điều kiện hưởng lương hưu.
Tuy vậy, ở thời điểm hiện tại, Chính phủ chưa ban hành văn bản hướng dẫn nội dung này, nên BHXH Việt Nam chưa có căn cứ để thực hiện.
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Luật Bảo hiểm xã hội số 41 quy định mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện bằng 22% mức thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Người lao động có thể lựa chọn mức thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện trong khoảng thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần mức tham chiếu tại thời điểm đóng.
Trả lời câu hỏi về mức hưởng lương hưu theo quy định hiện hành, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định mức lương hưu hằng tháng như sau:
Từ ngày 1/1/2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 54 của Luật này được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 62 của Luật này và tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội.
Cụ thể: Lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm; lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm.
Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động quy định được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.
Mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định được tính như quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, sau đó cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì giảm 2%.
Trường hợp tuổi nghỉ hưu có thời gian lẻ đến đủ 6 tháng thì mức giảm là 1%, từ trên 6 tháng thì không giảm tỷ lệ phần trăm do nghỉ hưu trước tuổi.
Nguồn : https://sohuutritue.net.vn/nhung-nguoi-nay-di-lam-khong-phai-dong-bao-hiem-xa-hoi-con-duoc-nhan-khoan-tien-tuong-ung-biet-de-tranh-thiet-thoi-d242117.html