Trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông ra đường mà quên mang giấy tờ xe, liệu CSGT có cho phép người vi phạm nhờ người thân đem giấy tờ xe đến không?
Hiện nay, rất nhiều người lái xe đi ra đường mà không mang theo giấy tờ, đặc biệt là người điều khiển xe máy. Đến khi vi phạm giao thông và bị CSGT kiểm tra mới tá hỏa “gãi đầu gãi tai “. Theo quy định, người điều khiển phương tiện luôn phải mang theo các loại giấy tờ xe khi ra đường. Với hai trường hợp xe “không có giấy tờ” và “quên mang giấy tờ theo người” sẽ có những mức xử phạt khác nhau. Chính vì vậy, có một câu hỏi nhiều người đặt ra, có giấy tờ xe nhưng nếu quên mang theo vậy có được nhờ người thân mang đến trong trường hợp này hay không.
Theo khoản 2 Điều 58 Luật giao thông đường bộ 2008 quy định Người lái xe khi điều khiển phương tiện phải mang theo các giấy tờ sau:
– Đăng ký xe;
– Giấy phép lái xe đối với người điều khiển xe cơ giới quy định tại Điều 59 của Luật này
– Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới quy định tại Điều 55 của Luật này;
– Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
Theo quy định này, về nguyên tắc thì tại thời điểm kiểm tra nếu người vi phạm không xuất trình được những giấy tờ này thì sẽ bị xử lý theo quy định của Nghị định 100/2019/NĐ-CP. Hiện tại không có bất kỳ quy định nào về việc CSGT phải chờ người vi phạm mang GPLX và các giấy tờ xe đến nếu tại thời điểm kiểm tra họ không mang theo. Do đó, tại thời điểm kiểm tra và lập biên bản vi phạm hành chính thì CSGT sẽ không chấp nhận cho người vi phạm nhờ người thân mang giấy tờ xe đến.
Quy định về xử phạt khi quên mang giấy tờ xe
Như vậy, nếu người điều khiển các phương tiện giao thông không có một trong các giấy tờ trên có thể bị CSGT xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP). Tuy nhiên, hành vi “quên mang” và “không có giấy tờ xe” sẽ nhận mức phạt khác nhau, cụ thể:
1. Về giấy đăng ký xe:
– Lái xe quên mang theo: Phạt tiền từ 200-400 nghìn đối với ô tô; từ 100-200 nghìn đối với mô tô, xe máy.
– Không có: Phạt tiền từ 2-3 triệu đồng đối với ô tô; từ 300-400 nghìn đồng với mô tô, xe máy.
Với lỗi quên mang hoặc không có Giấy đăng ký xe, phương tiện vi phạm đều bị tạm giữ tối đa 7 ngày trước khi ra quyết định xử phạt. Hết thời gian này, nếu lái xe vẫn không xuất trình được giấy tờ hoặc không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ của phương tiện sẽ bị tịch thu phương tiện sung vào ngân sách nhà nước. (Quy định tại khoản 6 Điều 16 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).
2. Về Giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự:
Mức phạt đối với “quên mang” và “không có” hoặc có nhưng không còn hiệu lực là như nhau. Với ô tô là 400-600 nghìn đồng; mô tô, xe máy là 100-200 nghìn đồng.
3. Về Giấy đăng kiểm xe ô tô:
– Quên mang theo Giấy chứng nhận đăng kiểm: Phạt tiền từ 200-400 nghìn đồng.
– Không có Giấy chứng nhận đăng kiểm hoặc tem đăng kiểm, có giấy chứng nhận đăng kiểm nhưng hết hạn từ 1 tháng trở lên: Mức phạt tiền từ 4-6 triệu đồng.
Như vậy, dù chỉ sơ ý quên mang theo các loại giấy tờ xe khi điều khiển ô tô, xe máy ra đường cũng có thể bị xử phạt rất nặng. Do vậy, trước khi lên xe, tài xế cần kiểm tra các loại giấy tờ, đảm bảo đầy đủ và còn thời hạn sử dụng.