Hàng triệu người dân diện này sẽ được tăng lương hưu từ Cải cách tiền lương 2024?

Khi thực hiện cải cách tiền lương, sẽ có những thay đổi lớn và hàng triệu người đang hưởng lương hưu được lợi.

Nhiều người dân quan tâm, khi thực hiện cải cách tiền lương thì có thay đổi lương hưu hay không, nếu có thì sẽ tăng như nào. Hãy cùng tham khảo chi tiết nội dung dưới đây để làm sáng tỏ.

luong-huu3

Hai trường hợp được tăng lương hưu khi cải cách tiền lương

Ngày 10/11/2023, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024.

Nghị quyết nêu, từ ngày 1/7/2024, thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương (cải cách tiền lương) theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018, đồng thời điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở.

Theo đó, vì thực hiện đồng thời cải cách tiền lương và tăng lương hưu từ 1/7/2024 nên sẽ có 2 trường hợp tăng lương hưu sau cải cách tiền lương.

Trường hợp 1 là những người được tăng lương hưu theo quy định cụ thể.

Thông thường, khi có văn bản chính thức về việc điều chỉnh tiền lương hưu, nội dung văn bản sẽ quy định rõ về đối tượng được điều chỉnh. Ví dụ như đợt tăng lương hưu vào tháng 7/2023 theo Nghị định 42/2023/NĐ-CP, các đối tượng được tăng lương hưu được xác định cụ thể tại Điều 2 Nghị định 42/2023/NĐ-CP.

Như vậy, trong quy định về điều chỉnh lương hưu từ ngày 1/7/2024 sắp tới, những người thuộc nhóm đối tượng điều chỉnh sẽ được tăng lương hưu.

Trường hợp 2 là những người được tăng lương khi cải cách tiền lương.

Đối chiếu Mục II Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018, việc cải cách tiền lương sẽ thực hiện trên tinh thần là không làm giảm lương. Đồng thời, xét trường hợp lương tối thiểu vùng được tăng từ ngày 1/7/2024, khi cải cách tiền lương 2024 làm tăng lương của các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) thì mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của các đối tượng này cũng sẽ tăng.

Vì mức lương hưu được tính từ mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH và tỷ lệ hưởng lương hưu, nên nếu quy định về tỷ lệ hưởng lương hưu không thay đổi và mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH tăng thì mức lương hưu cũng sẽ tăng.

Theo những phân tích trên thì xét trong trường hợp cải cách tiền lương năm 2024 làm tăng lương, để được tăng lương hưu theo đợt cải cách tiền lương, người tham gia BHXH cần đáp ứng các điều kiện sau:

– Đủ điều kiện hưởng lương hưu.

– Người tham gia BHXH phải nghỉ hưu sau thời điểm cải cách tiền lương và đã có khoảng thời gian hưởng mức lương tăng trước đó.

Như vậy, người tham gia BHXH nếu được tăng lương trong đợt cải cách tiền lương thì sẽ được tăng mức hưởng lương hưu sau này.

luong-huu

Điều kiện hưởng lương hưu sắp thay đổi

Thông tin mới liên quan đến hàng triệu người hưởng lương hưu, dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã được Chính phủ hoàn thiện và có Tờ trình Quốc hội, trong đó có sửa đổi về điều kiện hưởng lương hưu.

Theo đó, người lao động được hưởng lương hưu khi có đủ các điều kiện:

– Đủ 61 tuổi 3 tháng đối với nam và đủ 56 tuổi 8 tháng đối với nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028, và cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nữ cho đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035.

– Đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên.

Cùng với đó, mức lương hưu hàng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định được tính bằng 45% mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội, tương ứng với 20 năm đóng bảo hiểm xã hội đối với lao động nam và 15 năm đóng bảo hiểm xã hội đối với lao động nữ, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.

Đối với lao động nam đủ điều kiện quy định có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm thì mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu là 2,25%.

Chính phủ quy định cụ thể thời điểm, đối tượng, mức điều chỉnh lương hưu.

Theo đó, thời điểm hưởng lương hưu của các đối tượng được tính từ tháng liền kề sau tháng người tham gia bảo hiểm xã hội đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định.

Tiền lương hưu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế phù hợp với ngân sách nhà nước và quỹ bảo hiểm xã hội.

Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) sẽ được trình lên Quốc hội thảo luận tại kỳ họp tháng 11/2023, thông qua tại kỳ họp tháng 5/2024 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025. Như vậy, các thay đổi liên quan trực tiếp đến người hưởng lương hưu nêu trên có thể sẽ được áp dụng từ tháng 7/2025.

Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện bình thường

Căn cứ theo Điều 169 Bộ luật Lao động 2019, người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội được hưởng lương hưu khi đủ tuổi nghỉ hưu.

Theo đó, kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ; sau đó cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ.

Như vậy, năm 2022, tuổi nghỉ hưu của lao động nam là 60 tuổi 6 tháng và lao động nữ là 55 tuổi 8 tháng.

Năm 2023, tuổi nghỉ hưu của lao động nam là 60 tuổi 9 tháng và lao động nữ là 56 tuổi.

Năm 2024, tuổi nghỉ hưu của lao động nam là 61 tuổi và lao động nữ là 56 tuổi 4 tháng.

Lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu mỗi năm như trên chỉ áp dụng cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.