Từ ngày tham gia lớp học thêm, cô bé liên tục có những biểu hiện khác lạ như đòi nghỉ học, cứ đi học về là khoá chặt cửa và la hét trong phòng…
Nuôi dạy và bảo vệ con cái trưởng thành an toàn là ước nguyện chung của nhiều cha mẹ. Thế nhưng, không phải cô bé, cậu bé nào cũng có thể dễ dàng thoát khỏi những hiểm nguy trong cuộc sống khi rời xa vòng tay gia đình. Cũng từ đó, tâm hồn non nớt của đứa trẻ đã bị tổn thương nặng nề.
Câu chuyện về bé gái tên Xiaoqi 7 tuổi (Trung Quốc) dưới đây là ví dụ. Xiaoqi vốn là đứa trẻ vô cùng thông minh, thích cười, hiếu động và ham thích học hỏi. Do muốn con gái rèn luyện năng khiếu nghệ thuật, mẹ Xiaoqi đã gửi con gái đến một lớp học dạy Mỹ thuật có tiếng trong vùng.
Thế nhưng, chị không ngờ đây là mở đầu của một chuỗi bi kịch với đứa trẻ.
Thời gian đầu đi học, cả Xiaoqi và mẹ đều rất vui, bản thân cô bé Xiaoqi luôn hào hứng mỗi khi đến giờ học Mỹ thuật. Thế nhưng, chỉ sau 2 tháng đi học, Xiaoqi bắt đầu xuất hiện nhiều biểu hiện lạ. Sau khi đi học về, Xiaoqi có thói quen tự nhốt mình trong phòng, dễ cáu gắt và thỉnh thoảng còn tự bật khóc không rõ nguyên do. Không chỉ vậy, cô bé còn đòi nghỉ lớp học Mỹ thuật, liên tục viện cớ bị ốm, đau bụng để không phải đến lớp.
Theo thời gian, tình trạng của Xiaoqi càng trở nên tồi tệ hơn. Một hôm, sau khi đi từ lớp học thêm Mỹ thuật về, Xiaoqi lại đóng chặt cửa phòng và la hét. Bất chấp bố mẹ đứng ngoài cửa thuyết phục thế nào, Xiaoqi vẫn nhất quyết không chịu mở cửa mà chỉ luồn 2 tờ giấy ra ngoài. Trong tờ giấy là những nét vẽ nguệch ngoạc, nhưng nếu nhìn kỹ thì vẫn dễ dàng hình dung nội dung bên trong.
Lúc này, bố mẹ Xiaoqi mới dần nhận ra vấn đề của con gái. Nghi ngờ Xiaoqi có liên quan đến một vụ xâm hại, bố mẹ đã báo cảnh sát để tiến hành điều tra.
Sự thật cuối cùng đã bị phơi bày. Hoá ra ở lớp Mỹ thuật, một thầy giáo liên tục có những hành động xâm hại Xiaoqi, động tay vào những vùng nhạy cảm và hôn lên mặt cô bé. Vì bị thầy giáo đe dọa, Xiaoqi không dám chia sẻ cụ thể cho cha mẹ.
Khi được bố mẹ và cơ quan điều tra động viên, hỏi han nhẹ nhàng về sự việc đã qua, Xiaoqi mới thút thít bày tỏ: “Mẹ ơi, con sợ lắm”. Chứng kiến con gái phải trải qua trải nghiệm đau lòng, bố mẹ Xiaoqi liên tục tự trách móc bản thân vì đã không quan tâm con cái, thế nhưng mọi chuyện giờ đã quá muộn.
Thực tế, câu chuyện của Xiaoqi chỉ là một trong rất nhiều trường hợp đáng tiếc trẻ bị xâm hại khi rời xa vòng tay bố mẹ. Vì nhiều lý do mà thông thường sau khi bị xâm hại, các bé thường không biết giải thích sao để người lớn thấu hiểu. Điều này khiến tình trạng sức khoẻ và tinh thần của con càng trở nên trầm trọng, thậm chí nhiều đứa trẻ còn lựa chọn cách giải quyết cực đoan nhất.
Bởi vậy, các chuyên gia khuyên rằng, khi trẻ bắt đầu có nhận thức và tò mò với cuộc sống xung quanh thì cũng chính là lúc cha mẹ phải trang bị cho con những kỹ năng sống cần thiết. Cha mẹ tập cho trẻ xác định 5 nhóm người con cần chú ý bằng cách cho trẻ tương tác với 5 ngón tay. Từ đó, bé có thể giúp mình tránh khỏi bị lạm dụng tình dục.
Trong đó:
– Ngón cái – gần mình nhất tượng trưng cho những người thân ruột thịt trong gia đình như ông bà, bố mẹ, anh chị em ruột – bé có thể ôm hôn mọi người hoặc đồng ý đề các thành viên trong nhà ôm hôn, thể hiện tình yêu thương, tắm rửa khi bé còn nhỏ.
– Ngón trỏ – tượng trưng cho thầy cô, bạn bè ở trường lớp hoặc họ hàng của gia đình. Những người này có thể nắm tay, khoác vai hoặc chơi đùa.
– Ngón giữa – người quen như hàng xóm, bạn bè của cha mẹ – bé có thể bắt tay chào hỏi họ.
– Ngón áp út – gặp người mới gặp lần đầu, các bé có thể dừng lại ở mức vẫy tay chào.
– Ngón út – ngón tay xa bé nhất thể hiện cho những người hoàn toàn xa lạ hoặc người có cử chỉ thân mật, khiến bé thấy lo sợ, bất an, bé hoàn toàn có thể bỏ chạy, hét to để thông báo với mọi người xung quanh.
Cuối cùng, bất kể là bé trai hay bé gái, cha mẹ cũng nên dành thời gian tâm sự cùng con, theo dõi những thay đổi nhỏ của trẻ từng ngày để bảo vệ con kịp thời và đúng lúc.