Thêm 8 trận động đất xảy ra ở Kon Tum, dân các tỉnh lân cận cũng tháo chạy

Thêm 8 trận động đất xảy ra ở Kon Tum, dân các tỉnh lân cận cũng tháo chạy

Sau trận động đất mạnh 5.0 độ vào trưa 28/7, trong chiều và tối 28/7, khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum ghi nhận thêm 8 rung chấn liên tiếp. Tuy nhiên, hầu hết các rung chấn này nhỏ, ít khả năng gây ra thiệt hại.

Sau rung chấn mạnh 5.0 độ, vào 15 giờ 32 phút 28 giây (giờ Hà Nội) thêm một trận động đất có độ lớn 2.6 xảy ra ở độ sâu khoảng 12.1 km trên khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Trận động đất tiếp theo xảy ra sau đó hơn một tiếng, vào lúc 16 giờ 49 phút 51 giây có độ lớn 2.6.

Đáng lưu ý chỉ trong gần 20 phút, từ 17 giờ 09 phút 05 giây đến 17 giờ 38 phút 37 giây, 4 trận động đất liên tiếp đã xảy ra ở khu vực này, tất cả đều có độ lớn dưới 3.0.

Riêng hai trận động đất xảy ra trong tối 28/7 có độ lớn 3.5 và 3.8. Người dân sống ở vùng tâm chấn động đất có thể cảm nhận được rung lắc nhẹ từ hai trận động đất này.

Trước đó, lúc 11 giờ 35 phút 10 giây (giờ Hà Nội) ngày 28/7, một trận động đất mạnh 5.0 độ đã xảy ra tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Đây là trận mạnh nhất từng ghi nhận được ở khu vực này, gây rung chấn cho một khu vực rộng lớn gồm Tây Nguyên và nhiều tỉnh miền Trung.

Theo TS. Nguyễn Xuân Anh, Giám đốc Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, trận động đất đạt ngưỡng độ lớn trung bình. Các địa phương cần kiểm tra đánh giá thiệt hại. Cơ quan này đã phát đi cảnh báo rủi ro thiên tai cấp 2 do động đất.

Thêm 8 trận động đất xảy ra ở Kon Tum- Ảnh 1.

Tâm chấn trận động đất tối 28/7 ở Kon Tum.

Khu vực Kon Tum từng là nơi có hoạt động địa chất tương đối ổn định, ít ghi nhận hoạt động động đất. Tuy nhiên, từ tháng 4/2021 đến nay, sau khi thuỷ điện Thượng Kon Tum tích nước, khu vực này ghi nhận động đất xảy ra liên tiếp. Hơn 3 năm qua, hàng trăm trận động đất đã được ghi nhận. Trong đó trận động đất mạnh 4.7 độ xảy ra vào tháng 8/2022 cũng gây rung chấn cho một khu vực rộng lớn gồm Tây Nguyên và một số tỉnh miền Trung.

Động đất ở Kon Plông được các nhà khoa học của Viện Vật lý địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) nhận định là động đất kích thích, xảy ra do quá trình tích nước của hồ chứa thuỷ điện tác động lên hệ thống đứt gãy hoạt động bên dưới khiến động đất xảy ra sớm hơn so với quy luật tự nhiên.

Theo PGS. Cao Đình Triều, nguyên Phó Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu, khu vực xảy ra động đất ở Kon Tum nằm trên đứt gãy Rào Quán – A Lưới, đây là đới đứt gãy mạnh, chạy từ Lào, qua A Lưới (Thừa Thiên – Huế), kéo dài tới Quy Nhơn (Bình Định).

Động đất kích thích tại Kon Plông được nhận định có thể kéo dài trong nhiều năm tới do đặc điểm địa chất khu vực xảy ra động đất. Động đất kích thích ở Kon Tum xảy ra trên nền địa chất có nhiều đá biến chất, cùng đặc điểm địa chất với thuỷ điện sông Tranh 2 ở tỉnh Quảng Nam, nơi từng xảy ra động đất kích thích kéo dài hơn 10 năm.

Theo PGS. Cao Đình Triều, trên thế giới cũng ghi nhận mối liên quan chặt chẽ giữa môi trường địa chất với hoạt động động đất kích thích. Tại Ấn Độ, từng ghi nhận động đất kích thích kéo dài gần 40 năm trong môi trường địa chất đá biến chất.

Vật dụng trong nhà một hộ dân ở xã Đăk Tăng rơi xuống bị vỡ

“Tôi đang ngồi ăn thì cảm nhận bàn rung lắc, hơi bị choáng đầu khoảng 5 giây. Sau đó, tôi lên mạng xã hội thấy đông đảo mọi người chia sẻ là xảy ra động đất, không ngờ động đất ở Kon Tum mà thành phố Đà Nẵng vẫn cảm nhận được”, anh Đoàn Minh (trú TP Đà Nẵng) cho hay.

Chị Mai Thị Hạnh (quận Thanh Khê, Đà Nẵng) cũng hú vía khi thấy nền nhà rung lên rất mạnh và giật thêm 3 lần nữa. Sự việc diễn ra trong khoảng 5 giây. Chị cùng nhiều hàng xóm vì quá lo sợ nên đã chạy ra đường. Anh Nguyễn Phúc Hạnh (phường Hải Châu 1, quận Hải Châu, Đà Nẵng) cho hay đang nằm nghỉ trên giường thì nghe giường rung, giật. “Tôi đoán chắc là ảnh hưởng của động đất nhưng lúc đó không biết động đất từ đâu nên rất hoảng”, anh chia sẻ.

Cách tâm chấn tận 200km nhưng nhiều người dân ở huyện Krông Pa, Gia Lai vẫn cảm nhận được ảnh hưởng của trận động đất. Ông Nguyễn Thế Sử (34 tuổi, trú huyện Krông Pa) chia sẻ, khi gia đình đang ở trong căn nhà cấp bốn, tự nhiên thấy rung lắc lớn, mọi người hô nhau chạy ra ngoài cho chắc. Khi mọi người quay vào nhìn lại, hốt hoảng thấy hai vết nứt trên tường nhà, trong đó vết nứt lớn rộng 10cm. “Cả chục năm nay ở huyện mới thấy sự việc động đất như vậy”, ông Sử nói.

Động đất ở Kon Tum, dân các tỉnh lân cận cũng tháo chạy- Ảnh 2.

Vết nứt dài trên tường một hộ dân ở Gia Lai

Chị Phạm Thị Ánh Minh (trú TP Tam Kỳ, Quảng Nam ) cho hay, lần đầu tiên chị cảm nhận rõ động đất. Lúc đó khoảng 11h30, chị đang ở trong nhà cảm nhận rất rõ nhà cửa, đồ đạc rung nhẹ khoảng 5 giây. Sau đó, chị tháo chạy ra ngoài. “Hồi giờ nghe động đất chỉ toàn trên núi, nhất là khu vực Bắc Trà My, Nam Trà My, ai ngờ nay ở TP Tam Kỳ cũng rung lắc bởi động đất. Cầm ly nước mà suýt đổ”, chị Ánh cho hay.

Tại khu vực tâm chấn, ông A Dinh, Trưởng thôn Đăk Tăng (huyện Kon Plông, Kon Tum) vẫn chưa hết bàng hoàng. Ông A Dinh cho biết, ngày 28/7 trên địa bàn xảy ra nhiều trận động đất liên tiếp; trong đó trận động đất vào khoảng 11h35 mạnh nhất từ trước đến nay. Một số vật dụng trong nhà dân rơi xuống bị vỡ. Theo thống kê ban đầu, trên địa bàn chưa có thiệt hại về người và tài sản giá trị.

Một lãnh đạo UBND huyện Kon Plông cho biết, đang tiếp tục rà soát thiệt hại sau trận động đất trên. Bước đầu cho thấy chỉ có điểm Trường Trung học cơ sở Đắk Rin và Trạm Y tế xã này bị rạn nứt nhẹ. Vị này nhận định, đây là trận động đất kích thích do việc tích nước của thủy điện Thượng Kon Tum.

“Đây là trận động đất lớn nhất trên địa bàn từ trước đến nay. Rút kinh nghiệm từ các trận động đất trước đó, huyện đã tổ chức tuyên truyền, tình huống giả định để người dân phòng chống động đất. Bởi vậy đến thời điểm hiện tại chưa ghi nhận thiệt hại gì lớn sau trận động đất này”, lãnh đạo UBND huyện Kon Plông nói.

Nguồn :https://tienphong.vn/them-8-tran-dong-dat-xay-ra-o-kon-tum-post1658801.tpo

https://tienphong.vn/dong-dat-o-kon-tum-dan-cac-tinh-lan-can-cung-thao-chay-post1658800.tpo