Giá vàng hôm nay 10.11: Lỗ nặng 7,5 triệu/lượng sau một tuần

Giá vàng hôm nay 10.11: Sau tuần sụt giảm, người mua vàng trong nước lỗ nặng. Trong ngắn hạn giá vàng nhận dự báo tiêu cực.

Báo Lao động ngày 10/11 đưa thông tin với tiêu đề: “Giá vàng hôm nay 10.11: Lỗ nặng 7,5 triệu/lượng sau một tuần” cùng nội dung như sau: 

Giá vàng miếng SJC

Chốt phiên giao dịch tuần, Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng SJC ở ngưỡng 82-85,8 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).

So với chốt phiên giao dịch tuần trước, giá vàng miếng SJC tại DOJI giảm 5,5 triệu đồng/lượng chiều mua vào và giảm 3,7 triệu đồng/lượng chiều bán ra.

Chênh lệch giá mua – bán vàng SJC tại Tập đoàn DOJI ở ngưỡng 3,8 triệu đồng/lượng.

Cập nhật giá vàng đầu giờ sáng nay.

Trong khi đó, Công ty VBĐQ Sài Gòn SJC niêm yết giá vàng SJC ở ngưỡng 82-85,8 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).

So với chốt phiên giao dịch tuần trước, giá vàng miếng SJC tại Công ty VBĐQ Sài Gòn SJC giảm 5,5 triệu đồng/lượng chiều mua vào và giảm 3,7 triệu đồng/lượng chiều bán ra.

Chênh lệch giá mua – bán vàng SJC tại Tập đoàn DOJI ở ngưỡng 3,8 triệu đồng/lượng.

Tuần qua giá vàng SJC giảm sâu, kết hợp chênh lệch mua vào – bán ra do các đơn vị kinh doanh niêm yết, nhà đầu tư lỗ nặng. Nếu mua vàng SJC tại Tập đoàn DOJI vào phiên 3.11 và bán ra vào phiên hôm nay (10.11), nhà đầu tư lỗ 7,5 triệu đồng/lượng. Tương tự, người mua vàng tại Công ty VBĐQ Sài Gòn SJC cũng lãi 7,5 triệu đồng/lượng.

Hiện chênh lệch giá vàng mua – bán được niêm yết quanh ngưỡng 3,8 triệu đồng/lượng. Giới chuyên gia nhận định, mức chênh lệch này rất cao khiến nhà đầu tư đối diện nguy cơ thua lỗ khi đầu tư ngắn hạn.

Giá vàng nhẫn 9999

Sáng nay, giá vàng nhẫn tròn 9999 Hưng Thịnh Vượng tại DOJI niêm yết ở ngưỡng 83,35-85,15 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra); giảm 4,65 triệu đồng/lượng chiều mua vào và giảm 3,85 triệu đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên giao dịch tuần trước.

Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng nhẫn ở ngưỡng 83,32-85,12 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra); giảm 4,66 đồng/lượng chiều mua vào và giảm 3,86 triệu đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên giao dịch tuần trước.

Sau tuần lao dốc, nếu mua vàng nhẫn vào phiên 3.10 và bán ra vào phiên hôm nay (10.11), mức lỗ nhà đầu tư phải nhận khi mua tại DOJI, Bảo Tín Minh Châu lần lượt là 5,65 triệu đồng/lượng và 5,66 triệu đồng/lượng.

Nhiều phiên gần đây, giá vàng nhẫn thường biến động cùng chiều với thị trường thế giới. Nhà đầu tư có thể tham khảo thị trường thế giới cùng nhận định của chuyên gia trước khi đưa ra quyết định đầu tư.

Giá vàng thế giới

Đóng cửa phiên giao dịch tuần, giá vàng thế giới niêm yết trên Kitco ở ngưỡng 2.684,4 USD/ounce, giảm 52 USD/ounce so với chốt phiên giao dịch tuần trước.

Dự báo giá vàng

Giá vàng thế giới giảm xuống trong bối cảnh chỉ số USD tăng lên. Ghi nhận lúc 6h00 ngày 10.11, chỉ số US Dollar Index đo lường biến động của đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt ở ngưỡng 104,890 điểm (tăng 0,5%).

Cuộc khảo sát vàng hàng tuần mới nhất của Kitco News cho thấy các chuyên gia trong ngành có tâm lý bi quan áp đảo. Trong khi đối với nhóm nhà giao dịch lẻ mức độ lạc quan lần đầu tiên sau nhiều tháng cũng ghi nhận giảm xuống.

14 nhà phân tích đã tham gia khảo sát vàng của Kitco News. Chỉ có ba chuyên gia dự báo ​​giá vàng sẽ tăng trong tuần tới. Có tới chín nhà phân tích dự đoán giá kim loại quý này sẽ giảm. Hai nhà phân tích còn lại cho rằng ​​giá vàng sẽ đi ngang.

Có 249 phiếu bầu đã được bỏ trong cuộc thăm dò trực tuyến của Kitco. 114 nhà giao dịch cho rằng giá vàng sẽ tăng vào tuần tới. Trong khi 91 người khác giá vàng sẽ đi xuống. 44 nhà đầu tư còn lại kỳ vọng vàng sẽ có xu hướng đi ngang trong thời gian tới. Đây là lần đầu sau nhiều tháng kỳ vọng tích cực của giá vàng ngắn hạn giảm sâu như vậy.

Trước đó, báo VnExpress ngày 07/11 cũng có bài đăng với thông tin: “Ngân hàng Nhà nước bán ra 13 tấn vàng”. Nội dung được báo đưa như sau:

Thông tin này được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nêu tại báo cáo gửi đại biểu Quốc hội. Theo đó, bà Hồng cho biết từ 13/6 đến 29/10, gần 11,5 tấn vàng đã được cơ quan quản lý bán trực tiếp cho 4 ngân hàng thương mại quốc doanh và Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), thông qua đó phân phối lại cho người dân.

Trước đó, từ 19/4 đến 23/5, thông qua 9 phiên đấu thầu vàng miếng, nhà chức trách đã tung ra thị trường 48.500 lượng vàng miếng, tương đương 1,82 tấn.

Như vậy, từ 19/4 đến nay, cơ quan quản lý đã cung ứng thêm cho thị trường 354.100 lượng, tương đương khoảng 13 tấn vàng. Thông qua biện pháp can thiệp “ấn định” giá bán gần đây, vàng miếng SJC hiện về sát hơn với thế giới, mức chênh lệch khoảng 3-5 triệu đồng một lượng, tùy thời điểm.

Tuy vậy, Ngân hàng Nhà nước đánh giá thị trường vẫn chịu tác động bởi yếu tố tâm lý, tiềm ẩn rủi ro tác động đến thị trường tiền tệ, ngoại hối.

Cơ quan này cho hay một số sản phẩm vàng trang sức mỹ nghệ có hàm lượng 99,99% được sử dụng có tính chất như vàng miếng (không ngoại trừ nguyên liệu để sản xuất từ nguồn vàng nhập lậu). Hiện tượng này, theo cơ quan quản lý, dễ bị lợi dụng làm giảm hiệu quả quản lý thị trường vàng miếng của Nghị định 24.

Thực tế, giai đoạn 2014-2023, cơ quan quản lý không tăng cung vàng miếng SJC ra thị trường. Chỉ đến năm nay, họ mới tăng cung theo chỉ đạo của Thủ tướng nhằm hạ nhiệt chênh lệch giá vàng miếng trong nước và thế giới.

Ngân hàng Nhà nước nhận định, giá thế giới liên tục tăng cao, cùng những khó khăn của các kênh đầu tư khác (bất động sản đóng băng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp ảm đạm, lãi suất tiền gửi ngân hàng thấp…) khiến kim loại quý trở nên hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, nhu cầu mua chủ yếu tập trung tại hai đô thị lớn Hà Nội, TP HCM và có yếu tố tâm lý, kỳ vọng.

Bên cạnh đó, cơ quan này nói không loại trừ khả năng có sự tồn tại của các hành vi thao túng thị trường, dẫn đến tình trạng chênh lệch cao giữa giá trong nước và thế giới.

Thời gian tới, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ cân nhắc can thiệp thị trường vàng (nếu cần thiết) với khối lượng, tần suất phù hợp để ổn định thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ.

Cơ quan này cũng khẳng định các đề xuất sửa, bổ sung Nghị định 24 quản lý thị trường vàng sẽ phù hợp với thực tế, ngăn chặn tình trạng vàng hóa nền kinh tế và không để biến động giá ảnh hưởng đến tỷ giá, lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành thanh tra, kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp, cửa hàng, đại lý phân phối mua bán vàng miếng.

Cả nước hiện có 16 doanh nghiệp và 22 tổ chức tín dụng được cấp phép kinh doanh mua bán vàng miếng. Bên cạnh đó, hơn 6.680 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ.