Vào lúc 1h sáng 5/7, chị T. chạy đến cầu thì người chồng trong lúc nóng giận đã ném con gái xuống sông rồi nhảy xuống sông tự tử.
Theo thông tin từ báo Tuổi Trẻ, ông Trần Chiến – chủ tịch UBND xã Cẩm Thanh, thành phố Hội An (Quảng Nam) – cho biết hiện vẫn chưa tìm thấy tung tích cả hai người.
Cụ thể, lúc 1h sáng 5/7 lực lượng chức năng thành phố Hội An nhận được tin báo có vụ nhảy cầu trên sông Thu Bồn, cách phố cổ Hội An khoảng 5km. Công an xã Cẩm Thanh đã xuống hiện trường và nắm được thông tin anh H.K.C. (27 tuổi, trú tại huyện Thăng Bình) bồng theo bé gái (nghi là con ruột) là H.H.B.N. (9 tháng tuổi) ra giữa cầu Cửa Đại rồi bất nhờ nhảy xuống sông.
Hiện trường để lại một xe máy, một điện thoại và một đôi dép màu đen. Công an đã lập hồ sơ ban đầu, phối hợp với các đơn vị tổ chức túc trực, tìm kiếm cứu nạn, liên lạc với thân nhân anh C..
Người cha ôm con gái nhảy cầu tự tử, để lại xe máy và điện thoại trên cầu – Ảnh: Báo Pháp luật TP.HCM
Sáng 5/7, theo thông tin từ báo Pháp luật TP.HCM, tại hiện trường, chị T. (vợ anh C.) ngồi thẩn thờ trên cầu Cửa Đại nhìn lực lượng cứu hộ tìm thi thể của chồng và con gái. Chị T. kể hai vợ chồng thuê phòng trọ ở TP Hội An sinh sống, làm việc.
Đêm 4/7, người chồng ở nhà trông con gái, còn chị T. đi làm. Lúc ở nhà anh T. đã có nhậu, trước đó hai vợ chồng đã cãi nhau chuyện vợ đi làm về trễ. Rồi chồng gọi điện nói chị về nhà, không về thì xuống cầu Cửa Đại. Theo chị T., khi chị chạy đến cầu thì người chồng trong lúc nóng giận đã ném con gái xuống sông rồi nhảy xuống sông tự tử.
Hiện trường vụ việc – Ảnh: Báo Tuổi Trẻ
Theo thông tin từ báo Người Đưa Tin, những vụ bố, mẹ tự tử và bắt con chết cùng khiến dư luận vừa xót thương, vừa oán giận. Theo Tiến sỹ Tâm lý Hoàng Cẩm Tú, một trong những nguyên nhân khiến cho những người mẹ này bế tắc đến mức không thiết sống và mang cả con theo cùng là do họ bị tổn thương và bị sang chấn về mặt tâm lý.
Ngoài lý do kinh tế cùng quẫn, nợ nần chồng chất, nhiều bà mẹ chọn bước đường cùng do không vượt qua được những trở ngại quá lớn, hoặc con bị khuyết tật, mắc bệnh nan y, chồng ngoại tình, hay bị chồng bạo hành lâu ngày, mẹ chồng chì chiết đay nghiến… dẫn đến tâm lý tuyệt vọng và quyết định tìm đến cái chết để mong “được giải thoát”.
Bên cạnh đó, nhiều bậc cha mẹ thường quan niệm con mình là một phần cơ thể, là khúc ruột của mình nên cần mang theo khi tự tử. Nếu bỏ con lại, họ thấy mình là một ông bố, bà mẹ tồi tệ. Tự tử cùng con để bảo vệ đứa trẻ khỏi cảnh bơ vơ đầu đường xó chợ, mồ côi, không được dạy dỗ nên người. Chưa nói đến việc, một số bà mẹ còn tin rằng, khi chết con mình có thể tái sinh ở một cuộc sống tốt đẹp hơn?!
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Thị Thu – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, ôm con tự tử là hành vi vi phạm pháp luật, có dấu hiệu cấu thành tội cố ý giết người theo quy định tại Điều 123 BLHS 2015. Trong trường hợp này, người mẹ (hoặc cha) đứa trẻ đã tước đoạt mạng sống của người khác, vi phạm vào quyền sống, quyền được pháp luật bảo hộ tính mạng con người được ghi nhận tại Điều 19 của Hiến pháp 2013.
Dù vì lý do gì, việc người lớn kéo theo con trẻ phải chết cùng là việc làm nhẫn tâm và vi phạm pháp luật. Để tránh xảy ra những vụ việc đáng tiếc tiếp theo, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần có các biện pháp tuyên truyền phổ biến giáo dục, mọi người cần quan tâm đến kĩ năng sống, kĩ năng giải quyết những xung đột, căng thẳng trong cuộc sống, tránh việc cứ gặp trở ngại, bế tắc là tìm đến cái chết và muốn con mình phải chết theo.